Wikia Ben10
Advertisement

Tùy Nghi Tiến (Danlambao) - Nếu theo đúng chương trình nghị sự của Quốc hội nhà nước chxhcn Việt Nam, thì ngày thứ Tư hôm nay (28/10/2015) các đại biểu nhân dân sẽ thảo luận về công việc phòng chống tham nhũng, nghe báo cáo về thành quả chống tham nhũng của nhà nước trong năm 2015, và đề ra thêm các biện pháp phòng chống tham nhũng khác cho thời gian tới.


Trong một bài viết có nhan đề “Chống tham nhũng từ gốc”, đăng ở mục Chào Buổi Sáng của tờ Thanh Niên, người viết có bút hiệu là An Nguyên đã đặt vấn đề rằng tại sao Việt Nam có một hệ thống pháp luật phòng chống tham nhũng đầy đủ bậc nhất mà chuyển biến và thành quả thực tế lại chưa đáng kể?


Theo An Nguyên, muốn chống tham nhũng hiệu quả thì quan trọng nhất là phải chế ước được quyền năng của các chức vụ. Nếu thiết kế được một hệ thống kiểm soát quyền lực chặt chẽ thì sẽ hiệu quả hơn là tập trung vào việc chống. Bởi vì nếu không làm từ gốc, thì tham nhũng giống như vòi bạch tuộc, chặt đầu này sẽ mọc đầu khác mà thôi. Tuy nhiên, ở ta, ngay bản thân các đại biểu QH, trong nhiều phiên thảo luận về phòng chống tham nhũng từng có, vẫn có tâm lý đặt quá nặng việc tìm kiếm các chế tài chống tham nhũng và ít chú trọng yêu cầu hiệu năng của các biện pháp phòng ngừa.


Theo thiển ý của tôi, An Nguyên lý luận đúng một điểm: Đó là bất kỳ một rắc rối nào, mỗi khi giải quyết thì chúng ta cần phải xác định đâu là nguồn gốc và kết quả, đâu là bản chất và hiện tượng, và đâu là giải pháp tình thế và chiến lược. Nhà báo này còn đúng ở điểm ví tham nhũng như vòi của một con bạch tuộc.


Tuy nhiên, nhà báo này đã cố tình phớt lờ hệ thống chính trị và cơ cấu cầm quyền trong chính trường Việt Nam hiện nay. Chẳng có gì lạ khi những đại biểu quốc hội chxhcn Việt Nam chỉ chú trọng đến việc tìm kiếm hơn là hiệu năng của các biện pháp chế tài. Bởi vì những biện pháp chế tài thực sự ra chính là những cơ hội tham nhũng mới cho nhà cầm quyền csVN ở các cấp từ trung ương tới địa phương. Càng có nhiều biện pháp, thì càng có nhiều cách để luồn lách mà càng cần luồn lách thì lại càng có những cái ô dù và sự bao che. Tham nhũng nảy sinh thêm từ đó. Nguyên nhân thực sự của tham nhũng là do cái hệ thống chính trị độc tài, độc quyền và độc trị, thành ra muốn giải quyết triệt để nạn tham nhũng thì nhà cầm quyền csVN phải cải tổ cả một hệ thống chính trị hiện nay thành một hệ thống chính trị đa đảng, đa nguyên để những người cầm quyền cẩn trọng hơn. Mỗi một sự lạm dụng quyền lực của đảng viên cầm quyền đều lập tức bị các đảng viên đối lập và người dân phát giác, ngăn ngừa và triệt tiêu trong trứng nước.


Muốn giải quyết tận gốc nạn tham nhũng thì nhà cầm quyền csVN phải thực sự cho phép người dân thực thi các quyền tự do, dân chủ của mình. Nhân dân là một lực lượng khổng lồ để giúp một nhà cầm quyền phát giác ra những sự mờ ám, bao che và lạm dụng quyền lực, hạn chế hoặc đàn áp những tiếng còi báo động thì làm sao nhà nước có thể chứng tỏ được quyết tâm phòng chống tệ nạn tham nhũng. Thêm vào đó, chỉ một khi người dân được thực sự thể hiện các quyền năng dân chủ của mình, thì các nhân sự xứng đáng mới được đề cử vào các vị trí cầm quyền. Chớ như hiện nay, các chức vụ quan trọng trong nhà nước đều bị thao túng và lũng đoạn bởi một đảng chính trị là đảng cs thì chính cái hệ thống chính trị và cơ cấu cầm quyền đã là nơi dung túng tệ nạn tham nhũng. Chỉ khi nào người dân được thực sự tự do, dân chủ thì chuyện quản trị đất nước mới được công khai và minh bạch, và khi đó nạn tham nhũng mới có cơ bị khắc phục. Chính cái tham vọng muốn duy trì thể chế cầm quyền độc tài, độc đảng đã chẳng những bao che mà còn khuyến khích tê nạn tham nhũng. Chẳng phải Tổng Bí thư đảng csVN Nguyễn Phú Trọng đã từng bày tỏ ý nguyện là phải bảo vệ vị trí độc tôn của đảng cs trong chính trường VN bằng mọi giá, dù phải trả bằng tệ nạn tham nhũng qua câu nói khét tiếng là “đập chuột nhưng đừng để vỡ bình” hay sao?


Ngoài ra, An Nguyên còn cố tình mắt nhắm, tai ngơ trước tình trạng mua quan, bán chức trong hệ thống cầm quyền các cấp tại Việt Nam. An Nguyên cũng đã cố tình phớt lờ tình trạng “con ông, cháu cha” trong không những các cơ quan nhà nước, các công ty quốc doanh mà thậm chí ngay cả trong các công ty tư doanh. Với những ê kíp làm việc “người mình” và với sự bao che của cấp trên, thì làm sao người dân có thể kiểm soát chặt chẽ hệ thống quyền lực?


Theo An Nguyên, ngõ hầu có thể phòng chống tham nhũng, thì nhà nước phải có các biện pháp như kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trả lương qua tài khoản, chuyển đổi công tác, xử lý trách nhiệm người lãnh đạo, nộp lại quà tặng…. Tuy nhiên, như tôi đã lý luận ở trên đây chỉ là những biện pháp khắc phục tệ nạn ở tầm mức vi mô và có tính chất tình thế. Những biện pháp này chỉ tổ đẻ ra thêm những hình thức luồn lách, bao che cho tệ nạn tham nhũng.


Tham nhũng là một đại sự quốc gia và thể hiện ở mọi cấp bậc cầm quyền từ trung ương xuống địa phương. Nó không từ một lãnh vực nào cả, dù đó là dân sự hay quân sự. Nó len lỏi vào mọi ngỏ ngách của đời sống, từ tâm linh đến thế tục. Nói thật không ngoa, tham nhũng tại Việt Nam bây giờ đã trở thành một nét văn hóa và tập quán. Nếu An Nguyên ví tham nhũng là vòi của một con bạch tuộc, thì con bạch tuộc đó không ai khác hơn mà chính là đảng csVN. Muốn triệt để khắc phục một tệ nạn có tầm mức to lớn và muôn hình, vạn trạng như tham nhũng, thì nhà nước csVN phải có một biện pháp, một sách lược cấp tiến, tận gốc. Đó là phải thay đổi và chấn chỉnh toàn bộ hệ thống chính trị và cơ cấu cấm quyền. Đó là phải giải thể chúng. Phải phá vỡ vị thế độc tài, độc quyền, độc trị của đảng và nhà nước csVN. Phải chấp nhận một hệ thống chính trị đa nguyên và đa đảng, và một cơ cấu cầm quyền tam lập. Ngõ hầu có thể đạt được điều đó, một thực tế văn minh đương đại ở nhiều quốc gia trên thế giới đó thì người dân phải thực sự có đầy đủ các sự tự do thể hiện quyền công dân và con người. Đây mới đúng là một giải pháp tận gốc.


Chẳng thể khác được. Bằng không, mọi sự thảo luận về tình trạng và biện pháp khắc phục tệ nạn tham nhũng cũng chỉ là chuyện nước chảy lá môn và một cuộc chợ tới phiên lại nhóm mà thôi. Chỉ nhằm để mỵ dân. Tệ nạn này rồi đâu cũng sẽ hoàn đó. Vẫn như cũ! Nói và làm vẫn là một khoảng trời cách biệt!


28/10/2015

Advertisement